Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Mở thị trường xuất khẩu lao động mới - Doanh nghiệp cần giúp người lao động xây dựng hình ảnh

SGTT.VN - Khó khăn ở những thị trường truyền thống khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải đi tìm thị trường mới. Nhưng tai tiếng bỏ trốn của lao động Việt Nam khiến nước tiếp nhận e dè, cánh cửa ngày càng hẹp.
Cánh cửa hẹp lại
Lao động xuất khẩu tại Libya về nước do ảnh hưởng tình hình chính trị (ảnh mang tính minh hoạ). Ảnh: Hà Dịu
Tới thời điểm này, công ty dịch vụ dầu khí Sài Gòn vẫn nuối tiếc vì cơ hội đưa lao động sang thị trường Mỹ bị đánh mất. Thời gian vừa qua, công ty này có nhiều đơn hàng từ phía Mỹ với mức lương rất cao. Lao động không có tay nghề lương từ 1.000 – 2.000 USD nhưng xin visa vào Mỹ rất khó. Đây là một thị trường mới mà mấy năm gần đây nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động nhắm đến nhưng đều phải đầu hàng. Lý do chính khiến Mỹ từ chối cấp visa cho lao động Việt Nam là lo sợ lao động bỏ trốn. “Ý thức của người lao động đã ảnh hưởng rất xấu đến tình hình xuất khẩu lao động thời gian gần đây”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, giám đốc công ty dịch vụ dầu khí Sài Gòn nhận định. Ông Chu Minh Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Simco Sông Đà thì ngậm ngùi tiếc số tiền đã đầu tư khai thác thị trường lao động Canada. Công ty này đã chi tiền để sang Canada nhiều lần nghiên cứu thị trường, móc nối với các công ty làm dịch vụ cung ứng nhân lực và các công ty tiếp nhận lao động. Với thế mạnh cung ứng nhân lực ngành xây dựng, công ty này đã tìm được một đối tác xây dựng trong lĩnh vực dầu khí với nhu cầu tiếp nhận phần lớn lao động nước ngoài. Công ty này cũng đã bỏ tiền ra thuê luật sư Canada để hoàn thành hồ sơ pháp lý xin visa cho lao động Việt Nam sang làm việc. “Tuy nhiên, mọi chuyện kết thúc vì đã có lao động Việt Nam sang Canada bỏ trốn và Canada không cấp visa cho lao động Việt Nam nữa”, ông Tuấn tiếc nuối. Nhiều công ty xuất khẩu lao động Việt Nam đang gặp phải những khó khăn tương tự như vậy. Khi các thị trường lao động xuất khẩu truyền thống gần như hết nhu cầu, doanh nghiệp dù chịu khó đi tìm thị trường mới vẫn gặp nhiều rào cản, mà một rào cản lớn nhất là ý thức của lao động Việt Nam. Nhiều thị trường mới vừa mở ra đã đóng cửa. Có những thị trường doanh nghiệp vừa mới xúc tiến đàm phán nhưng do ấn tượng không tốt về lao động Việt Nam (chủ yếu là bỏ trốn) nên cơ quan xuất nhập cảnh nước ngoài đã từ chối cấp visa như Anh, Mỹ, Canada… Doanh nghiệp cần giúp người lao động xây dựng hình ảnh
Theo báo cáo của cục Quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2004 đến nay, Việt Nam có gần 63.000 người sang Hàn Quốc lao động. Thống kê của bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp tại nước này và hết năm 2011 có thể lên tới 12.000 người. Tại Malaysia, con số lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp ước tính cũng trên 10.000 người.
Trong thực tế, chủ sử dụng lao động nhiều nước vẫn thích lao động Việt Nam bởi sự thích nghi nhanh, nhanh trí và cần cù. Tuy nhiên, để mở rộng thị phần tại các thị trường cũ và mở thêm thị trường mới, đặc biệt là những thị trường thu nhập cao thì phải xây dựng lại hình ảnh lao động Việt Nam. Muốn nâng cao hình ảnh, theo ông Nguyễn Lương Trào, chủ tịch hiệp hội Xuất khẩu lao động: vấn đề mấu chốt nhất là phải nâng cao chất lượng lao động. Nguồn lao động tuyển dụng ra nước ngoài làm việc chủ yếu là lao động phổ thông, nhận thức kém nên sau khi lao động trúng tuyển, doanh nghiệp cần đào tạo kỹ lưỡng để tăng sự hiểu biết cho họ. “Có một số thị trường vì muốn đưa lao động đi nhanh nên việc đào tạo không được sâu sát mà chỉ là hình thức, người lao động hầu hết không đủ trình độ ngoại ngữ giao tiếp nên liên tục có những bất đồng xảy ra khi làm việc tại nước ngoài, dẫn đến những hành động tự phát như bỏ trốn”, ông Trào nói. Theo quy định, lao động cần được đào tạo ít nhất từ hai đến ba tháng trước khi xuất cảnh, kể cả ngoại ngữ và giáo dục định hướng về đất nước, phong tục tập quán của nơi họ tới làm việc. Nhưng không nhiều doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ quy định này. Tiết lộ của một doanh nghiệp cho biết họ chỉ đào tạo giáo dục định hướng cho lao động “vài buổi” trước khi đi, đào tạo ngoại ngữ cho đủ thủ tục vì bản thân người lao động cũng muốn đi nhanh. Do chưa được giáo dục kỹ nên ngay khi ra nước ngoài thấy công việc vất vả, người lao động thường nảy sinh tâm lý chán nản và tìm cách gây chuyện để được về nước. Để hạn chế những vấn đề phát sinh, các doanh nghiệp thường phải cử đại diện quản lý lao động theo hình thức xin visa du lịch. Nhưng vì chi phí cho khoản này tốn kém nên không ít doanh nghiệp phó mặc việc quản lý lao động cho công ty môi giới nước ngoài. Khi xảy ra mâu thuẫn, vì không được giải quyết nên lao động Việt Nam đình công, bỏ trốn… đã trở nên phổ biến. Tây Giang – Hà Dịu

Nguồn: Xuat khau lao dong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét