Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Mở thị trường xuất khẩu lao động mới - Doanh nghiệp cần giúp người lao động xây dựng hình ảnh

SGTT.VN - Khó khăn ở những thị trường truyền thống khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải đi tìm thị trường mới. Nhưng tai tiếng bỏ trốn của lao động Việt Nam khiến nước tiếp nhận e dè, cánh cửa ngày càng hẹp.
Cánh cửa hẹp lại
Lao động xuất khẩu tại Libya về nước do ảnh hưởng tình hình chính trị (ảnh mang tính minh hoạ). Ảnh: Hà Dịu
Tới thời điểm này, công ty dịch vụ dầu khí Sài Gòn vẫn nuối tiếc vì cơ hội đưa lao động sang thị trường Mỹ bị đánh mất. Thời gian vừa qua, công ty này có nhiều đơn hàng từ phía Mỹ với mức lương rất cao. Lao động không có tay nghề lương từ 1.000 – 2.000 USD nhưng xin visa vào Mỹ rất khó. Đây là một thị trường mới mà mấy năm gần đây nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động nhắm đến nhưng đều phải đầu hàng. Lý do chính khiến Mỹ từ chối cấp visa cho lao động Việt Nam là lo sợ lao động bỏ trốn. “Ý thức của người lao động đã ảnh hưởng rất xấu đến tình hình xuất khẩu lao động thời gian gần đây”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, giám đốc công ty dịch vụ dầu khí Sài Gòn nhận định. Ông Chu Minh Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Simco Sông Đà thì ngậm ngùi tiếc số tiền đã đầu tư khai thác thị trường lao động Canada. Công ty này đã chi tiền để sang Canada nhiều lần nghiên cứu thị trường, móc nối với các công ty làm dịch vụ cung ứng nhân lực và các công ty tiếp nhận lao động. Với thế mạnh cung ứng nhân lực ngành xây dựng, công ty này đã tìm được một đối tác xây dựng trong lĩnh vực dầu khí với nhu cầu tiếp nhận phần lớn lao động nước ngoài. Công ty này cũng đã bỏ tiền ra thuê luật sư Canada để hoàn thành hồ sơ pháp lý xin visa cho lao động Việt Nam sang làm việc. “Tuy nhiên, mọi chuyện kết thúc vì đã có lao động Việt Nam sang Canada bỏ trốn và Canada không cấp visa cho lao động Việt Nam nữa”, ông Tuấn tiếc nuối. Nhiều công ty xuất khẩu lao động Việt Nam đang gặp phải những khó khăn tương tự như vậy. Khi các thị trường lao động xuất khẩu truyền thống gần như hết nhu cầu, doanh nghiệp dù chịu khó đi tìm thị trường mới vẫn gặp nhiều rào cản, mà một rào cản lớn nhất là ý thức của lao động Việt Nam. Nhiều thị trường mới vừa mở ra đã đóng cửa. Có những thị trường doanh nghiệp vừa mới xúc tiến đàm phán nhưng do ấn tượng không tốt về lao động Việt Nam (chủ yếu là bỏ trốn) nên cơ quan xuất nhập cảnh nước ngoài đã từ chối cấp visa như Anh, Mỹ, Canada… Doanh nghiệp cần giúp người lao động xây dựng hình ảnh
Theo báo cáo của cục Quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2004 đến nay, Việt Nam có gần 63.000 người sang Hàn Quốc lao động. Thống kê của bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp tại nước này và hết năm 2011 có thể lên tới 12.000 người. Tại Malaysia, con số lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp ước tính cũng trên 10.000 người.
Trong thực tế, chủ sử dụng lao động nhiều nước vẫn thích lao động Việt Nam bởi sự thích nghi nhanh, nhanh trí và cần cù. Tuy nhiên, để mở rộng thị phần tại các thị trường cũ và mở thêm thị trường mới, đặc biệt là những thị trường thu nhập cao thì phải xây dựng lại hình ảnh lao động Việt Nam. Muốn nâng cao hình ảnh, theo ông Nguyễn Lương Trào, chủ tịch hiệp hội Xuất khẩu lao động: vấn đề mấu chốt nhất là phải nâng cao chất lượng lao động. Nguồn lao động tuyển dụng ra nước ngoài làm việc chủ yếu là lao động phổ thông, nhận thức kém nên sau khi lao động trúng tuyển, doanh nghiệp cần đào tạo kỹ lưỡng để tăng sự hiểu biết cho họ. “Có một số thị trường vì muốn đưa lao động đi nhanh nên việc đào tạo không được sâu sát mà chỉ là hình thức, người lao động hầu hết không đủ trình độ ngoại ngữ giao tiếp nên liên tục có những bất đồng xảy ra khi làm việc tại nước ngoài, dẫn đến những hành động tự phát như bỏ trốn”, ông Trào nói. Theo quy định, lao động cần được đào tạo ít nhất từ hai đến ba tháng trước khi xuất cảnh, kể cả ngoại ngữ và giáo dục định hướng về đất nước, phong tục tập quán của nơi họ tới làm việc. Nhưng không nhiều doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ quy định này. Tiết lộ của một doanh nghiệp cho biết họ chỉ đào tạo giáo dục định hướng cho lao động “vài buổi” trước khi đi, đào tạo ngoại ngữ cho đủ thủ tục vì bản thân người lao động cũng muốn đi nhanh. Do chưa được giáo dục kỹ nên ngay khi ra nước ngoài thấy công việc vất vả, người lao động thường nảy sinh tâm lý chán nản và tìm cách gây chuyện để được về nước. Để hạn chế những vấn đề phát sinh, các doanh nghiệp thường phải cử đại diện quản lý lao động theo hình thức xin visa du lịch. Nhưng vì chi phí cho khoản này tốn kém nên không ít doanh nghiệp phó mặc việc quản lý lao động cho công ty môi giới nước ngoài. Khi xảy ra mâu thuẫn, vì không được giải quyết nên lao động Việt Nam đình công, bỏ trốn… đã trở nên phổ biến. Tây Giang – Hà Dịu

Nguồn: Xuat khau lao dong

Nỗ lực “cứu” thị trường Hàn Quốc

Bộ LĐ-TB-XH khẳng định thông tin dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc là không chính xác! Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong chương trình thời sự lúc 19 giờ ngày 12-9, VTV1 phát thông tin Hàn Quốc quyết định tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều tờ báo ra ngày 13-9, trong đó có cả Báo Lao động và Xã hội của Bộ LĐ-TB-XH, cũng khẳng định vì lao động bỏ trốn gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dừng chương trình cấp phép lao động EPS (chương trình EPS) với Việt Nam. Thông tin trên khiến gần 5.000 lao động đang có hồ sơ dự tuyển và hàng chục ngàn lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc hoang mang. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều 13-9, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, vẫn khẳng định: “Không hề có chuyện Việt Nam bị dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc”. Khẳng định “không dừng”

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị được giao thực hiện chương trình EPS, cũng phủ nhận thông tin trên: “Chỉ có việc hủy đợt kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 7-8 vừa qua, chứ không hề có quyết định nào của phía Hàn Quốc về dừng hợp tác lao động với Việt Nam. Việc tổ chức cho lao động trúng tuyển xuất cảnh vẫn đang diễn ra bình thường”.

Lao động trúng tuyển vẫn xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc bình thường

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cũng bày tỏ sự ngạc nhiên: “Tôi không biết vì sao có thông tin nhầm lẫn như thế. Chúng tôi vừa từ Hàn Quốc trở về ngày 10-9. Trong chuyến đi này, chúng tôi làm việc với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, bàn về kế hoạch tổ chức đợt kiểm tra tiếng Hàn cho lao động Việt Nam vào đầu năm 2012. Bộ này không thông báo hay nói gì đến việc dừng hợp tác lao động với Việt Nam”. Ông Quỳnh cho biết sẽ có thông tin chính thức về vấn đề này cho báo chí rõ, tránh nhầm lẫn cho người lao động.

Nguy cơ là có thật!

Mặc dù khẳng định thông tin dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc chưa chính xác nhưng đại diện Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng đều có chung khuyến cáo nếu vấn đề lao động bỏ trốn tiếp tục gia tăng thì nguy cơ bị cắt giảm hạn ngạch, thậm chí bị loại khỏi chương trình EPS là khó tránh.

Hiện nay, ngoài 8.780 lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc từ tháng 4-2011 về trước, tình hình lao động bỏ trốn vẫn tiếp tục gia tăng. Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, trong số 8.000 lao động hết hạn hợp đồng năm 2011 thì đến nay có khoảng 49% đã bỏ trốn ở lại Hàn Quốc.

Trước tình hình lao động bỏ trốn có nguy cơ làm mất thị trường Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai các biện pháp chống trốn. Đề án ngăn ngừa lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc đang được triển khai. Trước đó, cuối tháng 6-2011, Bộ LĐ-TB-XH có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH của 3 tỉnh có đông lao động bỏ trốn nhất là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An yêu cầu rà soát, triển khai các biện pháp vận động gia đình khuyên con em hết hạn hợp đồng phải trở về.

Đầu tháng 7-2011, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục có công văn nhấn mạnh nội dung trên và kèm theo chỉ đạo tạm dừng đưa lao động ở các xã có đông lao động bỏ trốn tại 3 tỉnh trên. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thời gian gần đây có một số lao động đã bị hoãn chuyến bay sang Hàn Quốc dù đã hoàn tất thủ tục. Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết thêm: “Dự kiến ngày 1-1-2012, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc sẽ công bố hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài cho năm 2012. Việc được tổ chức thi tiếng Hàn trong năm 2012 hay không (dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5-2012) phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực chống trốn của chúng ta”.

Bỏ trốn bị phạt 40 triệu won

Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Hiện Cảnh sát Tư pháp Hàn Quốc đã tăng cường tổ chức các lực lượng truy quét gắt gao lao động bất hợp pháp.

Đi đôi với mức phạt tối đa 20.000 USD đối với doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc có thể bị cấm hoạt động thì người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won (khoảng 700 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi bị trục xuất sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc.

Bài và ảnh: Nguyễn Duy

Nguồn: Xuat khau lao dong

Lao động Việt Nam tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa thông báo, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2011 là 7.001 lao động.Trong đó, thị trường Đài Loan 3.559 lao động, Malaysia 824 lao động, Nhật Bản 751 lao động, Hàn Quốc 430 lao động, Ả rập Xê út 397 lao động, Lào 382 lao động, Campuchia 341 lao động, Macao 131 lao động, Các tiểu vương quốc Ả Rập 96 lao động, Cộng hòa Síp 65 lao động, Liên Bang Nga 25 lao động. Như vậy, tổng số lao động đưa đi trong 9 tháng năm 2011 là 67.531 lao động. Trong đó, thị trường Đài Loan dẫn đầu với 27.232 lao động, tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với 14.564 lao động, Malaysia 7.488 lao động, Nhật Bản 4.921 lao động, Ả rập Xê út 3.186 lao động, Lào 3.111 lao động, Campuchia 2.093 lao động, Macao 1.415 lao động, Các tiểu vương quốc Ả Rập 963 lao động, Cộng hòa Síp 508 lao động, Israel 278 lao động, Algeria 204 lao động và các thị trường khác là 1.568 lao động… Tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển chủ sử dụng vì lý do không chính đáng của lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc gia tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hợp tác lao động giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Hàn Quốc vẫn tiếp tục tiếp nhận những lao động Việt Nam đủ điều kiện sang làm việc. Mặc dù kỳ kiểm tra tiếng Hàn dành cho lao động Việt Nam dự kiến tổ chức vào ngày 7/8 vừa qua đã bị tạm dừng, nhưng đối với số lao động đã đạt yêu cầu trong các kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2010, đã có hồ sơ chuyển lên mạng và thời hạn hồ sơ vẫn còn hiệu lực thì vẫn được các chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn để sang làm việc tại thị trường này. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, hiện nay, hàng tuần vẫn có các chuyến bay đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc và nhiều lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn vẫn đang tham gia khóa học giáo dục định hướng trước khi đi và làm các thủ tục xuất cảnh theo chương trình EPS. Cụ thể, số lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc trong tháng 8 là 593 người và tháng 9 là 430 người./. Hồng Kiều

Nguồn: Xuat khau lao dong

Hà Nội "siết" quản lý lao động nước ngoài

UBND thành phố Hà Nội có công văn yêu cầu Sở Lao động TB&XH và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn. Các đơn vị trên phải báo cáo kết qua kiểm tra, thanh tra với Thành phố trước ngày 17/10. Lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Trước đó, ngày 23/9, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, đối với nhà thầu nước ngoài phải có phương án sử dụng lao động Việt Nam và nước ngoài trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của chủ đầu tư. Khi thực hiện hợp đồng nhà thầu phải thực hiện đúng nội dung đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về việc sử dụng lao động Việt Nam và nước ngoài. Chủ đầu tư phía Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra nhà thầu nước ngoài thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định. Đối với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ cấp thị thực cho người nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động hoặc cấp lại giấy phép lao động. Không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại địa phương khi chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu. Công an không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh đối với người nước ngoài làm việc tại địa phương khi chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu… Vì vậy, ngày 3/10, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Lao động TB&XH cùng Sở Kế hoạc và Đầu tư, Công an Thành phố phối hợp với các Sở: Công thương, Xây dựng, Ngoại vụ, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất… triển khai các nội dung tại công văn của Bộ LĐ-TB&XH về việc tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Các đơn vị trên phải báo cáo kết qua kiểm tra, thanh tra với thành phố trước ngày 17/10/2011.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Coi chừng bị lừa đi lao động Hàn Quốc

Liên tục trong thời gian gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) nhận được rất nhiều điện thoại, e-mail của người lao động (LĐ) ở các tỉnh, TP hỏi về đi làm việc tại Hàn Quốc (HQ) theo chương trình Thẻ vàng. Theo Cục quản lý LĐ, đây là một kiểu lừa đảo xuất khẩu LĐ mới. Lợi dụng những thông tin bất lợi từ việc phía HQ tạm dừng kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho LĐ sang HQ làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho LĐ nước ngoài (EPS), một số đối tượng đã mượn danh doanh nghiệp xuất khẩu LĐ để hứa hẹn đưa LĐ sang HQ theo chương trình Thẻ vàng. Hầu hết các LĐ hỏi về chương trình đều là LĐ phổ thông. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trên các trang quảng cáo như: vatgia.com, tuyensinhtuyendung.vn; rongbay.com... đăng tải nhiều thông tin tuyển dụng đi HQ theo chương trình Thẻ vàng với chi phí xuất cảnh là 4.000 -6.000 USD và mức lương từ 1.700 USD/tháng trở lên. Tiêu chuẩn chỉ cần tốt nghiệp ĐH chuyên ngành công nghệ thông tin, điện, hóa... Tuy nhiên, theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước, chương trình Thẻ vàng đi lao động tại HQ chỉ cấp riêng cho những LĐ kỹ thuật cao thuộc các lĩnh vực như điện tử kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học, năng lượng, vật liệu mới (gốm, hóa chất, kim loại), thiết bị vận tải và thương mại điện tử. LĐ kỹ thuật cao sẽ được cấp visa màu vàng, khác hẳn visa của những LĐ khác mà HQ đã cấp, nó thuận lợi hơn nhiều so với những LĐ phổ thông bình thường. Điểm đặc biệt là khi có visa này, thời gian làm việc tại HQ sẽ được kéo dài hơn. “Tham gia chương trình này, người LĐ phải đáp ứng các tiêu chuẩn có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao; có trình độ tương đương hoặc cao hơn cử nhân trong lĩnh vực liên quan, có thời gian làm việc trên 2 năm trong lĩnh vực chuyên môn yêu cầu”, ông Hải nói. Cục Quản lý LĐ ngoài nước: 41B Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội); đường dây nóng: 04.37346246 (số máy lẻ 305 hoặc 306); e-mail: dolab@dolab.gov.vn. Ông Vũ Công Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hợp tác quốc tế (LOD), một trong những doanh nghiệp được cấp phép đưa LĐ đi theo chương trình Thẻ vàng, khẳng định tất cả những thông tin tuyển dụng LĐ phổ thông đều là lừa đảo. Theo ông Bình, rất khó tuyển LĐ đi theo chương trình này bởi LĐ VN đa số trình độ tay nghề thấp. Mặc dù công ty được cấp phép tuyển dụng từ nhiều năm nay, nhưng số kỹ sư sang HQ làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng theo ông Đào Công Hải, hiện có 3 chương trình thực hiện đưa người VN sang làm việc tại HQ: Chương trình cấp phép việc làm cho LĐ nước ngoài (EPS) và Trung tâm LĐ ngoài nước, trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH là đơn vị duy nhất được đưa LĐ sang HQ theo chương trình này; chương trình tuyển thuyền viên tàu cá gần bờ và chương trình Thẻ vàng. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa LĐ đi làm việc tại HQ theo Chương trình Thẻ vàng. Để tránh cho người LĐ có nhu cầu đi làm việc tại HQ bị lợi dụng lừa đảo, Cục Quản lý LĐ ngoài nước khuyến cáo nếu người LĐ nhận được bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc doanh nghiệp dịch vụ của VN tuyển LĐ đi làm việc tại HQ theo chương trình Thẻ vàng, đề nghị liên hệ với Cục để xác minh tính trung thực của hợp đồng.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Bài học cho người xuất khẩu lao động

Thứ Ba, 4.10.2011 | 11:20 (GMT + 7) Trong buổi lễ khai giảng Trường Cao đẳng Nghề Việt - Nhật tại Long An, một thanh niên làm phiên dịch và là trợ lý cho ông Nakagawa Hidehiko – Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Yamato – đơn vị đầu tư hoạt động nhà trường, đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Anh nói tiếng Nhật rất tự tin trước cử tọa, trong đó có Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM và nhiều khách mời từ Nhật Bản. Hỏi ra, anh xuất thân là học sinh nghèo ở Bến Tre, tìm được cơ hội đi XKLĐ tại Nhật. Hai năm XKLĐ, ngoài thời gian làm việc, trong khi bạn bè vui chơi, nghỉ ngơi thì anh cặm cụi học tiếng Nhật. Anh làm quen với nhiều gia đình người Nhật và lúc rảnh rỗi đến chơi với họ, mục đích là để thực tập và học thêm tiếng Nhật từ thực tế. Khi hết hạn hợp đồng về nước, nhiều bạn bè cùng lứa XKLĐ với anh thất nghiệp, còn anh được một Cty du lịch tại TPHCM nhận làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật. Trong một chuyến đi du lịch và tìm hiểu thị trường VN, ông Nakagawwa thấy anh nói tiếng Nhật tốt nên mời về làm phiên dịch. Làm phiên dịch cho ông chủ, anh tiếp xúc được với nhiều người, tích lũy được nhiều kiến thức. Người Nhật rất thực tế, không cần bằng cấp, chỉ cần làm việc tốt, có kỷ luật là họ sử dụng. Ban đầu là một phiên dịch, nhưng sau đó anh được ông chủ chọn làm trợ lý. Không có một bằng cấp nào ngoài tấm bằng “XKLĐ”, nhưng anh đã có một công việc rất tốt, lương cao nhờ giỏi tiếng Nhật. Vốn tiếng Nhật đó cũng không trường lớp mà bằng sự chịu khó tự học. Câu chuyện này tưởng cũng nên viết ra để các bạn trẻ có cơ hội đi XKLĐ tham khảo.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Lao động bất hợp pháp ở đảo Đài Loan: NHIỀU RỦI RO RÌNH RẬP

Thăm Trung tâm di dân khẩn cấp ở đảo Đài Loan đặt tại thành phố Yilan, nơi tạm giữ những lao động bất hợp pháp, hết thời hạn visa bỏ trốn ra ngoài lao động, nhìn vào danh sách của người thân xin vào thăm nom, mới thấy ái ngại. Vị cảnh sát ở đây bảo, con số hơn 100 người tạm giữ ở đây gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam… mới chỉ là bề nổi. Số lượng thực tế lớn hơn nhiều vì mỗi ngày có hàng chục người ra – vào trung tâm này. Vị cảnh sát còn nói thêm, vào được đến đây, chúng tôi mới yên tâm trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động, chứ ở ngoài, xảy ra chuyện gì, mọi bất lợi đều hướng về phía người bỏ trốn. Từ sức hấp dẫn bên ngoài Trước khi đến với đảo Đài Loan, nhiều người bảo, nếu chịu khó làm thêm là có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Lúc ấy chỉ ậm ừ cho qua chuyện vì thực tình tôi không tin lắm, nhất là với một người mới chỉ biết giao tiếp tiếng Trung ở mức sơ đẳng. Nhưng đến đất Đài này rồi, đặc biệt sống ở thành phố Đài Bắc sôi động, mới thấy, điều mà người bạn nói trước đó là hoàn toàn có cơ sở. Thành phố Đài Bắc, đếm sơ sơ trên đầu ngón tay cũng có đến ngót chục chợ đêm, mà chợ nào cũng quy mô, lớn gấp 3, 4 lần, thậm chí đến gần 10 lần chợ đêm Đồng Xuân ở Hà Nội. Đi cùng với nó là khu ẩm thực, nơi thu hút rất nhiều lao động giản đơn. Biết tiếng ít thì dọn dẹp, rửa bát hay đứng bếp nấu ăn. Khá hơn một chút có thể chạy bàn, mời khách… Nói chung, người trình độ như thế nào cũng có thể sắp xếp được việc hợp lý. Hồ Văn Nam, sinh năm 1987, quê Nghệ An, sang học tiếng được 2 năm ở Đài Bắc, cho biết, sau một năm học tiếng đạt kết quả tốt sẽ được cấp giấy cho phép làm thêm ở ngoài 16 tiếng/tuần. Nam kể, công việc làm ở quán ăn cũng không vất vả lắm, chỉ bưng bê, dọn bàn và mời chào khách với mức lương từ 100 đến 120 Đài tệ/giờ (khoảng 80.000 đồng Việt Nam), có những công xưởng, khi cần đơn hàng gấp, họ còn tăng lương. Với những bạn giỏi tiếng Trung có thể làm phiên dịch bán thời gian với mức lương cao, khoảng 1.000 Đài tệ/giờ. Nhẩm tính sơ sơ, sinh viên đi làm thêm 1 tháng ngoài giờ học cũng có thu nhập gần 10 triệu đồng. Một người bạn xứ Đài này bảo, không chỉ với lao động Việt Nam mà nhiều lao động đến từ Indonesia, Philippines, Thái Lan… sang đến đây rồi đều tranh thủ đi làm. Với một lao động giản đơn, một tháng có thể đạt được thu nhập 30.000 Đài tệ… Đến tâm sự của một lao động bỏ trốn Đến thăm, mang đồ dùng sinh hoạt cho Nguyễn Văn Truyền, sinh năm 1973, quê ở Bắc Giang, đang bị tạm giữ ở Trung tâm di dân khẩn cấp tại Yilan, thấy khác quá so với lúc trước mấy anh em ngồi ăn với nhau. Nước da xanh tái, râu tóc mọc dài, lởm chởm. Truyền bảo, một tuần bị giữ ở đây, sụt mất 5 cân. - Sao vậy? – Tôi hỏi – Cuộc sống trong trại thiếu thốn à? - Không phải vậy, sinh hoạt trong trung tâm này cũng đủ – Truyền trả lời – Hàng ngày được cung cấp 3 bữa ăn. Quần áo, ngoài một bộ của mình còn có một bộ của trung tâm. Ở thì chung, khoảng 20 người gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Indonesia, Philippines… trong phòng rộng chừng 50m2, mỗi người có một góc riêng. Mỗi tuần, một người bị giữ trong này được phép giữ 1.000 Đài tệ để chi phí. Hàng tuần, vào một ngày nhất định, trung tâm sẽ bán những vận dụng sinh hoạt. Nói chung, cuộc sống cũng bảo đảm, chỉ khổ cho ai nghiền thuốc lá thôi, trong này bán rất đắt, 600 Đài tệ/bao thuốc (khoảng hơn 400 nghìn đồng). Nhưng, ở trong này, mình suy nghĩ nhiều, ăn, ngủ không được và cũng không biết bao giờ được ra khỏi trung tâm này về nước. Truyền kể, sang đất Đài này được 3 năm, theo hợp đồng làm việc cho một công xưởng. Công việc không quá phức tạp, chỉ là sắp xếp, xén giấy để đóng thành sổ, lịch nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung và liên tục để không gián đoạn cả dây chuyền sản xuất. Mức lương theo hợp đồng là 17.280 Đài tệ/tháng, trừ chi phí môi giới (1.700 Đài tệ/tháng), bảo hiểm (600 Đài tệ/tháng), ăn ở (5.000 Đài tệ/tháng), tiền tiết kiệm gửi công ty (3.000 Đài/tệ)… mỗi tháng chỉ giữ được hơn 5.000 Đài tệ. - Vậy sao lại bỏ ra ngoài làm? - Thực tình không ai muốn bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp – Truyền nói tiếp – Tất cả cũng vì gánh nặng nợ nần ở nhà. Trước khi sang Đài đã trượt một lần phỏng vấn đi lao động ở Séc, sang được đến đây, “chạy” môi giới hết 6.500 USD. Riêng tiền sang đây, nếu làm đủ hợp đồng trong 3 năm, không tăng ca, làm thêm giờ, 2 năm mới hoàn đủ vốn. Còn lại 1 năm nữa, tiết kiệm lắm, trong 3 năm đi làm bên này, dư ra được khoảng 60 triệu đồng. Từng ấy chưa đủ trả tiền chạy đi xuất khẩu lao động ở Séc. Bởi thế mới quyết định bỏ ra ngoài làm. Cuộc sống bên ngoài cũng không dễ chịu chút nào – Truyền nói – Khi bỏ ra ngoài, mình làm 12 tiếng cho 2 quán ăn với mức lương 100 Đài tệ/giờ. Ăn uống tại quán nên sinh hoạt phí hàng ngày không nhiều, lại không phải đóng các khoản tiền khác nên mỗi tháng có thể dành dụm khoảng 30.000 Đài tệ (hơn 20 triệu đồng)/tháng. Tiền kiếm được nhiều nên ham, nhưng kéo theo đó là những mối lo. Rồi anh kể, bỏ ra ngoài lao động, không giấy tờ hợp pháp nên chỗ ở phải luôn thay đổi. Mặc dù, cách ăn mặc, tác phong đi lại theo đúng gu của người Đài nhưng cảm giác sợ sệt bị cảnh sát chặn hỏi luôn thường trực. Khi rảnh không dám đi chơi, suốt ngày ru rú ở một chỗ. Còn khi về nhà thì sợ cướp. Truyền bảo, ở thành phố Đài Bắc này đã xảy ra mấy vụ cướp rồi mà toàn nhằm vào những anh em lao động bỏ trốn. Có vụ, tụi nó xông vào nhà, kề dao vào cổ, ngang nhiên lấy đi sạch tiền bạc, máy tính, điện thoại… thiệt hại cũng hơn 100 nghìn Đài tệ. Có lẽ, tụi nó đã theo dõi, biết được mình là người thế nào nên khi mọi người lấy lương về là chúng ập vào. Lúc ấy đành chịu chứ không dám kêu ai, cũng không dám báo cảnh sát vì mình không còn được pháp luật sở tại bảo hộ… Giờ bị giữ rồi – Truyền nói tiếp – 20.000 Đài tệ đã chuẩn bị để nộp phạt, tiền tiết kiệm trong 2 năm ở công ty chắc cũng bị khấu trừ vì phá hợp đồng, nhưng điều ấy không quan trọng nữa, chỉ mong sao được giải quyết sớm để về nhà. Sang đây làm, bỏ trốn cũng là một sai lầm của mình. Và những cảnh báo Về Việt Nam nghỉ tết, trước khi sang lại, một người bạn tại Phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội cứ níu giữ tôi ngồi nói chuyện để thông báo rằng, thời gian rồi có nhiều lao động bỏ trốn ra ngoài. Anh cũng kể về vụ tai nạn xây dựng đường cầu dẫn mấy năm trước ở Đài Nam, đã khiến một số người thiệt mạng. Khi nhà chức trách kiểm tra, trong số những lao động thiệt mạng có một vài người là lao động nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp. Như vậy, họ không được hưởng bảo hiểm, bồi thường. Mặc dù, không ai muốn điều đó, nhưng luật pháp đã quy định, chỉ người lao động bỏ trốn trong hoàn cảnh đó là chịu thiệt thòi nhất. Anh cũng mong muốn, qua cơ quan truyền thông, để cảnh báo, những lao động đừng ham những mối lợi trước mắt mà quên đi những hậu quả có thể xảy đến sau này. Khi bỏ trốn, rất có thể các bạn bị bóc lột sức lao động, bị tai nạn, thậm chí có thể bị chủ quỵt lương… với những vấn đề đó, pháp luật sở tại cũng như của Việt Nam rất khó giải quyết. Cũng với vấn đề này, trong một lần trả lời phỏng vấn, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Quản lý lao động ngoài nước tại Đài Bắc, chia sẻ, người lao động không nên bỏ ra ngoài. Nếu có vấn đề gì phát sinh có thể cục lao động địa phương nơi làm việc, người lao động sẽ nhận được sự hỗ trợ thuận tiện nhất. Còn khi bỏ ra ngoài rồi rất khó nhận được sự hỗ trợ. Theo quy định Việt Nam, với những lao động bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp và hết hạn hợp đồng không về nước, tức là tiếp tục ở lại cư trú trái phép để làm việc thì có thể bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Các bạn cũng sẽ phải bồi thường các thiệt hại do hành vi của mình gây ra, có thể bị cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm…Bởi vậy, khi lao động ở nước ngoài, mọi người hãy cân nhắc thật kỹ trước khi có những quyết định của mình.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam

Ngay sau bản tin Hàn Quốc quyết định dừng tuyển lao động Việt nam được phát trong chương trình thời sự của VTV tối 12-9, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết thông tin trên là không chính xác và sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ việc cung cấp thông tin nhầm lẫn cho cơ quan truyền hình.

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước – đơn vị giao quản lý chương trình cấp phép lao động EPS tại Hàn Quốc cũng xác nhận có sự nhầm lẫn và sẽ có văn bản yêu cầu VTV thông tin lại, tránh gây xáo trộn đối với những lao động đang dự tuyển và chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

Theo ông Minh, ngoài 8.500 lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc tính từ tháng 4-2011 trở về trước, thì trong số 8.000 lao động hết hạn hợp đồng trong năm 2011 có 49% lao động không về nước, ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp.

Do tình hình lao động Việt Nam bỏ trốn gia tăng, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã hủy kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng hàn dành cho lao động Việt Nam dự kiến tổ chức vào ngày 7-8 vừa qua. Ngoài hủy đợt kiểm tra nói trên, đến thời điểm này, việc tuyển dụng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn bình thường. Thông tin dừng tuyển dụng như nói trên chỉ ở dạng cảnh báo chứ không phải lệnh “đông kết” lao động.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Hơn 3% lao động thành thị thất nghiệp

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 9 cả nước ước tạo việc làm khoảng 136,6 nghìn người, trong đó XKLĐ ước đạt 6,6 nghìn người. Theo đó, 9 tháng năm 2011, cả nước ước tạo việc làm trên 1.127,1 nghìn người, đạt 70,45% kế hoạch năm, trong đó XKLĐ khoảng 67,13 nghìn người, đạt 77,16% kế hoạch năm. Tỉ lệ thất nghiệp của LĐ trong 9 tháng ước tính 2,18%, trong đó khu vực thành thị 3,49%, khu vực nông thôn 1,63%; tỉ lệ thiếu việc làm của LĐ ước tính 3,15%, trong đó thành thị là 1,72% và nông thôn 3,74%. TP.Hồ Chí Minh: Giới thiệu hơn 2.000 việc làm cho SV Theo Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM, từ 10.6 - 25.9, chương trình đã tiếp nhận 5.475 chỗ làm trống của 435 đơn vị đăng ký tuyển; trong đó 80% là việc làm bán thời gian và 20% là việc làm dài hạn. Nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị tập trung vào các ngành nghề như NV phục vụ, bán hàng, tiếp thị, người giúp việc với thu nhập trung bình từ 1,5-3 triệu đồng/tháng. Chỉ tính riêng chương trình đồng hành cùng SV và DN do trung tâm tổ chức ngày 25.9, đã giới thiệu hơn 2.000 việc làm bán thời gian và dài hạn cho SV có nhu cầu. Ngày nhân sự VN lần 3 diễn ra trong tháng 11 Chương trình lần lượt được tổ chức tại Hà Nội và TPHCM vào ngày 6.11 và 13.11. Với chủ đề “Chất lượng nguồn nhân lực của DN VN”, nội dung chương trình tập trung vào 3 điểm chính: Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực VN, xu hướng và nhu cầu nhân lực, thực trạng và giải pháp nâng chất nguồn nhân lực. Điểm mới của chương trình là việc công bố 2 báo cáo về thực trạng quản trị nhân sự DN VN năm 2011 và khảo sát tiền lương DN ngành CN thông tin truyền thông. Chương trình do EduViet, Hội DN trẻ VN, CLB GĐ nhân sự VN và Diễn đàn nhân sự VN tổ chức. Cần Thơ: Trên 8 tỉ đồng cho vay giải quyết việc làm Theo Sở LĐTBXH, quý III/2011, toàn thành phố có 433 dự án vay vốn từ Quỹ Cho vay giải quyết việc làm được phê duyệt, phát vay với tổng nguồn vốn trên 8 tỉ đồng; giúp gần 2.500 LĐ tự tạo việc làm (mua bán nhỏ, chăn nuôi, làm hàng gia công...). Từ đầu năm tới nay, quỹ đã giải ngân trên 15,1 tỉ đồng (805 dự án), hỗ trợ vốn cho trên 4.530 LĐ tự tạo việc làm. LĐ khu vực đầu tư nước ngoài tăng mạnh Kết quả điều tra LĐ tại 4.279 DN sản xuất công nghiệp cho thấy, số LĐ tháng 9 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó: LĐ khu vực DN nhà nước giảm 7,1%; DN ngoài nhà nước tăng 5,8% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 11,8%. Trong ba ngành công nghiệp cấp I, LĐ ngành khai thác mỏ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; trong khi đó, LĐ ngành sản xuất, phân phối điện, gas và nước giảm 12,4%. Tăng cường kỹ năng tiếng Anh văn phòng cho cán bộ Từ nay tới tháng 12, chương trình được Prudential VN thực hiện tới cán bộ các ban, ngành cấp tỉnh của 5 địa phương Bình Thuận, Bình Định, Nghệ An, Khánh Hòa và Cần Thơ. Khóa học giúp các học viên thực hành ngôn ngữ giao tiếp tự nhiên, sử dụng Anh ngữ hằng ngày tự tin hơn, phục vụ công việc chuyên môn. Từ năm 2003 tới nay, chương trình tổ chức nhiều lớp học cho 4.500 cán bộ tại 15 tỉnh, thành phố.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Người canh cửa

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải quyết liệt công tác quản lý lao động nước ngoài, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Đây là biện pháp tuy muộn nhưng cần thiết triển khai nhanh, để chấn chỉnh những vi phạm trong sử dụng LĐNN thời gian qua. Xem xét nghiêm túc về vấn đề này, sẽ thấy lỗi tự ta mà ra. Có ý kiến đổ cho nhà thầu, họ viện nhiều lý do khác nhau để đưa LĐ của họ sang. Nhưng lạ thiệt, mình là chủ đầu tư, tại sao lại để cho họ ép về việc sử dụng lao động. Nếu như các chủ đầu tư trong nước bắt buộc nhà thầu nước ngoài thực hiện đầy đủ các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý LĐNN thì họ sẽ không có cửa để làm sai. Nếu có vi phạm thì cũng sẽ phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ không có hậu quả về LĐNN làm việc trái phép như hiện nay. Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN thống kê, có hơn 60% số DN giảm doanh số phải cắt giảm LĐ. Một thống kê khác, 7 tháng đầu năm nay, tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ước tính 3,9%, trong đó thành thị chiếm 2,15%, nông thôn chiếm 4,6%, cao hơn nhiều so với năm 2010. Trong tình hình khó khăn hiện nay, nguy cơ sẽ có nhiều DN tiếp tục thu hẹp sản xuất. LĐ mất việc làm sẽ tăng cao. Trước tình hình này, càng không thể để cho nhà thầu nước ngoài khai thác thị trường của VN để nhập khẩu LĐ của họ. Và người “canh cửa” chuyện này trước hết là các chủ đầu tư.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Tọa đàm nhằm ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc

Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được thực hiện từ năm 2004 theo Thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc. Kể từ khi thực hiện chương trình này tới nay, 62.971 lao động Việt Nam đã đi làm việc tại Hàn Quốc. Người lao động làm việc theo chương trình này đại bộ phận là lao động phổ thông, làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (79%), số còn lại làm việc trong các ngành Nông nghiệp (10%); Xây dựng (8,8%), Ngư nghiệp và dịch vụ (2,2%).Nhìn chung, đa số người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo… Chính vì vậy số lượng người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động lựa chọn luôn dẫn đầu so với lao động của 14 quốc gia phái cử khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử (Trung Quốc là 5.100 người; Philippin là 4.958 người; Indonesia là 3.728 người; Mông Cổ là 3.515 người; Thái Lan là 3.216 người). Nghiêm trọng hơn là tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam cũng bị phía Hàn Quốc xếp vào tốp dẫn đầu so với các nước khác về yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc với các lý do không chính đáng (chiếm tỷ lệ 32%). Một bộ phận người lao động ta chưa có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, kỹ năng giao tiếp tiếng Hàn còn nhiều hạn chế. Tình trạng này đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam và tình hình hợp tác lao động giữa ta và Hàn Quốc. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam. Nếu tình trạng trên trở nên nghiêm trọng hơn thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc. Trước tình hình đó, để ổn định và phát triển trở lại thị trường Hàn Quốc, trong 3 ngày 07; 08 và 09/9/2011, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm nhằm tuyên truyền về các giải pháp ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển nơi làm việc vì lý do không chính đáng của lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Tọa đàm là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, đại diện phía Hàn Quốc và người dân trao đổi, đối thoại nhằm thông tin sâu rộng tới người dân về tình hình lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc qua đó động viên, kêu gọi con em họ đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn cũng như thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nêu trên. Tại buổi tọa đàm, ông Đào Công Hải – phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trước tình trạng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng gia tăng, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của người lao động làm việc tại Hàn Quốc. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Đề án đã đưa ra một số giải pháp, như: Thay đổi cách thức tuyển chọn lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp; Phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình động viên người lao động về nước; xử phạt các trường hợp cư trú bất hợp pháp; Áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã/phường có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao; Áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc; Tăng cường công tác quản lý lao động của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về trách nhiệm phải về nước đúng hạn; các chính sách áp dụng với những người lao động về nước đúng hạn (như được nhận lại khoản tiền bảo hiểm hồi hương, được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển để tiếp tục làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, được đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm...); Thực hiện các chương trình hỗ trợ người lao động về nước như kết nối việc làm cho người lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước với các chủ sử dụng lao động đặc biệt là các công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam; phối hợp tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho người lao động sau khi về nước. Đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cũng tham dự tọa đàm và cho biết, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này. Hiện, Cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc tăng cường tổ chức các lực lượng để truy quét gắt gao lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng hình thức xử phạt đối với chủ sử dụng lao động sử dụng lao động bất hợp pháp, các chủ sử dụng này sẽ bị phạt tiền tối đa 20.000 USD, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc có thể bị cấm hoạt động. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Trong trường hợp người lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt. Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc. Đại diện chính quyền các xã có lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tới dự tọa đàm và cho biết, họ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trong xã kêu gọi người thân của họ đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Bên cạnh đó, họ sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương trong việc vận động những lao động được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn ký cam kết không bỏ ra ngoài làm việc trái phép và về nước đúng hạn trước khi đi. Với những lợi ích mà chương trình EPS mang lại cho địa phương họ, đại diện chính quyền các xã này rất quyết tâm để giảm và ngăn chặn tình trạng lao động của xã cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhằm ổn định lại thị trường để những lao động khác của xã có cơ hội đi làm việc tại quốc gia Bắc Á này. Về phía người dân, tới dự tọa đàm có người thân của những lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc; người thân của những lao động đang làm việc tại Hàn Quốc và sắp hết hạn hợp đồng; những lao động đang học tiếng Hàn và chờ đợt thi và gia đình họ; cùng những lao động đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn năm 2010 và đang đợi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Các gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc đều cho biết, kinh tế gia đình họ đã được cải thiện nhiều nhờ chương trình EPS. Những người dân có con em đang làm việc tại Hàn Quốc và sắp hết hạn hợp đồng hứa sẽ động viên con em mình về nước đúng hạn để tạo cơ hội đi làm việc tại nước này cho những lao động khác đang chờ đợi ở Việt Nam cũng như để tìm kiếm những có hội mới khi về nước. Trong khi đó những lao động đang học tiếng Hàn và người thân của họ lại đang rất hoang mang, lo lắng. Họ không biết phải đợi đến lúc nào kỳ thi tiếng Hàn mới được tổ chức. Một điều rất đáng mừng là những thanh niên đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn và đang đợi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với chính quyền xã để ký bản cam kết về nước đúng thời hạn nếu được đi làm việc tại Hàn Quốc bởi họ biết rằng nếu bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp là vi phạm pháp luật Hàn Quốc cũng như pháp luật Việt Nam và khi đó họ sẽ không thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, với những quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc, lao động bỏ trốn ra ngoài sẽ không thể tìm được việc làm có thu nhập hấp dẫn như trước mà ngược lại họ rất dễ gặp rủi ro, thu nhập không đảm bảo và việc làm không ổn định. Bên cạnh đó, bản thân họ nhận thức được rằng việc bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp đồng nghĩa với việc lấy đi cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của nhiều lao động Việt Nam khác, không những thế nếu Chính phủ Hàn Quốc dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam thì hàng chục nghìn lao động Việt Nam khác sẽ không còn cơ hội được sang làm việc tại thị trường hấp dẫn này.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Gặp mặt thân mật đoàn Việt Nam tham dự Hội thi tay nghề thế giới lần thứ 41 tại London

Ngày 27/9/2011 tại Hà Nội, Ban Tổ chức Hội thi tay nghề Quốc gia đã có buổi gặp mặt và giao nhiệm vụ cho đoàn Việt Nam trước khi lên đường tham dự Hội thi tay nghề thế giới lần thứ 41 được diễn ra tại thủ đô London, Vương quốc Anh. Đến dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi; bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hội dạy nghề Việt Nam; ông Dương Đức Lân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Trưởng ban tổ chức thi tay nghề quốc gia), lãnh đạo một số đơn vị có liên quan, chuyên gia và các học sinh, sinh viên tham dự Hội thi tay nghề thế giới. Được biết, Hội thi Tay nghề Thế giới lần thứ 41 diễn ra tại London, Vương quốc Anh có sự tham gia của trên 1.000 thí sinh có tay nghề cao đến từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, thi tài trong 46 lĩnh vực nghề. Đây là cuộc thi kỹ năng nghề lớn nhất diễn ra 2 năm một lần. Theo Thông tin từ Ban Tổ chức, đoàn VN sẽ tham dự hội thi ở 12 nghề gồm: Cơ điện tử, thiết kế trang web, công nghệ thông tin, thiết kế đồ hoạ, điện tử công nghiệp, thiết kế cơ khí trên máy vi tính; công nghệ thời trang, lắp cáp mạng thông tin, xây gạch. Trong đó các nghề được đánh giá là thế mạnh có thể giành huy chương là công nghệ thời trang, thiết kế đồ hoạ, điện tử công nghiệp... Đây là lần thứ ba VN tham gia Hội thi tay nghề thế giới, trong đó ở 2 kỳ thi trước đoàn VN đoạt 6 chứng chỉ nghề xuất sắc. Phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật trước khi lên đường, Thứ Trưởng Nguyễn Ngọc Phi đánh giá cao quá trình chủ động cũng như công tác chuẩn bị của các trường, các chuyên gia và thí sinh trong suốt quá trình rèn luyện, trau dồi kiến thức và tay nghề. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Đây là cơ hội cho các thí sinh Việt Nam cọ sát thực tế với các bạn học sinh giỏi nghề thuộc nhiều quốc gia trên thế giới cũng như học tập những kinh nghiệm trong kỹ năng nghề của các nước tiên tiến... Đồng thời cũng là thước đo đánh giá những nỗ lực của chúng ta trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Nhân dịp này, chúc các thí sinh và toàn thể chuyên gia, các thầy cô giáo luôn giữ được tinh thần tự tin, đoàn kết, chủ động, phát huy sáng tạo, dành được những kết quả tốt nhất, góp phần nâng cao vị thế của nước nhà trên đấu trường quốc tế, giúp cho thế giới hiểu thêm về nguồn nhân lực của Việt Nam". Hội thi là sân chơi bổ ích dành cho các bạn trẻ phát huy năng lực sáng tạo, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện tay nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi quốc gia.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Tuyển chọn tu nghiệp sinh đi Nhật Bản

Ngày 17/8/2011, Cục Quản lý lao động ngoài nước có công văn đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận, Tuyên Quang, và Bình Thuận mỗi Sở chuẩn bị 20 ứng viên thuộc tỉnh để tham gia đợt tuyển chọn (10 người/tỉnh) đi tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Hiệp hội phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IM Japan). Đặc biệt, để thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009-2020, tỉnh Hà Giang và tỉnh Ninh Thuận sẽ ưu tiên tuyển lao động tại các huyện nghèo. Các địa phương nêu trên cần có phương án tuyển chọn chặt chẽ, lựa chọn những ứng viên đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu về thể lực, khả năng tiếng Nhật, có tư cách đạo đức, ý thức kỷ luật tốt và có quyết tâm cao tham gia chương trình.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Lao động phổ thông “mất giá”

Ngày càng nhiều doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng lao động có tay nghề là một cảnh báo đối với lực lượng lao động phổ thông vốn được ưu tiên tuyển dụng trong thời gian qua. Để chuẩn bị nhân lực cho 10 dây chuyền may mới sắp đưa vào sản xuất trong dịp cuối năm, Công ty CP Dệt may Thành Công có nhu cầu tuyển 500 lao động. Thay cho việc tuyển lao động phổ thông vào làm việc như trước đây, lần này công ty lại đưa ra yêu cầu tuyển dụng gắt gao hơn.

Ưu tiên lao động có nghề

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính Nhân sự Công ty CP Dệt may Thành Công, cho biết: “Đối với lao động ngành may trong đợt tuyển dụng này chúng tôi ưu tiên tuyển những người đã biết may và sử dụng thành thạo máy may công nghiệp. Khi tuyển vào họ có thể làm việc ngay mà không cần phải đào tạo lại từ đầu. Chủ trương của công ty là hạn chế thấp nhất những chi phí bất hợp lý”.

Lao động có tay nghề sẽ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn

Xu hướng tuyển dụng lao động có tay nghề đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 40 do Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 10-9 vừa qua, trong tổng số 1.329 lao động được tuyển dụng thì nhu cầu tuyển công nhân kỹ thuật có tay nghề chiếm 33,33% (tăng 20% so với tháng trước).

Lý giải cho việc tuyển chọn nguồn nhân lực có tay nghề thay vì tuyển lao động phổ thông rồi đào tạo như trước, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử đóng tại Bình Dương cho rằng: Do kinh tế khó khăn, áp lực cạnh tranh ngày càng cao nên công ty không thể bỏ ra nhiều chi phí để tuyển dụng đào tạo lao động phổ thông. Trong khi hiện nay, nhiều lao động có tay nghề bị cắt giảm, mất việc làm khiến nguồn cung rất dồi dào.

Theo ông Trần Anh Tuấn, những tháng cuối năm, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao và lao động lành nghề vẫn được tuyển dụng nhiều và chiếm khoảng 55% trong tổng nhu cầu. Những ngành nghề có nhu cầu cao là dịch vụ, phục vụ, bán hàng, kế toán, kiểm toán, thiết kế, cơ khí, điện tử- viễn thông, dệt may, giày da…

Ứng viên sẽ cạnh tranh hơn

Ghi nhận từ Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong tháng 7-2011, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm hầu hết ở các ngành nghề. Những ngành nghề cần nhiều lao động phổ thông như dệt may, giày da, dịch vụ, phục vụ, điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, kiến trúc, công nghệ ô tô… giảm khoảng 60% so với những tháng trước. Trong tháng 8-2011, nhu cầu tuyển dụng cũng giảm trên 20% chỗ làm và tập trung vào những ngành vốn thu hút nhiều lao động trước đây như dệt may, giày da, xây dựng, thiết kế nội thất…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhận định: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đang loay hoay mất phương hướng do lãi suất cao, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng… Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn khi chọn nhân lực trong thời điểm này.

Số liệu ghi nhận từ Vietnamworks cho thấy chỉ số nhân lực trực tuyến tháng 7 cũng tăng 20%. Điều này có nghĩa, ưu thế của thị trường lao động vẫn tiếp tục nghiêng về phía nhà tuyển dụng. Ông Chris Harvey, Giám đốc điều hành Vietnamworks, nhấn mạnh: “Trong xu hướng này, nhà tuyển dụng có nhiều lợi thế nhờ lượng ứng viên ứng tuyển cho mỗi vị trí tuyển dụng tăng lên.

Ngược lại, người tìm việc phải cạnh tranh nhiều hơn để có được công việc mong muốn”. Ông Chris Harvey cũng dự báo: Trong vài tháng tới, thị trường sẽ tiếp tục có lợi cho nhà tuyển dụng bởi nguồn cung cho thị trường dồi dào thêm khi lực lượng sinh viên mới ra trường tham gia vào thị trường lao động. Như thế, người lao động không có trình độ, tay nghề sẽ mất dần cơ hội nghề nghiệp.

Nguồn: Xuat khau lao dong

TIN TỨC LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2011

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 7/2011 là 8.026 người.
Trong đó Đài Loan 2.992 người;
Hàn Quốc 2.355 người;
Nhật Bản 694 người;
Malaysia 812 người;
Lào 298 người;
UAE 91 ngườ;
Ả rập Xê út 211 người;
Macao 89 người;
Campuchia 167 người
Israel 156 người
Algeria 117 người
Các thị trường khác là 44 người.
Như vậy, tổng số lao động đưa đi trong 7 tháng đầu năm 2011 là 54.352 người. Trong đó
Thị trường Đài Loan 20.504 lao động;
Hàn Quốc 13.541 lao động;
Malaysia 5.886 lao động;
Nhật Bản 3.527 lao động;
Ả rập Xê út 2.627 lao động;
Lào 2.460 lao động;
Campuchia 1.561 lao động;
Macao 1.189 lao động;
UAE 805 lao động;
Cộng hòa Síp 398 lao động;
Israel 185 lao động;
Algeria 173 lao động
Các thị trường khác 1.496 lao động.

Nguồn: Xuat khau lao dong

KHÁM SỨC KHỎE TRƯỚC KHI ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Nội dung người lao động bắt buộc phải khám và làm xét nghiệm

Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, khi đến bệnh viện đủ tiêu chuẩn để khám sức khoẻ yêu cầu phải thực hiện khám và làm các xét nghiệm bắt buộc sau: a. Các xét nghiệm cận lâm sàng và X-quang bắt buộc: - Công thức máu - Nhóm máu ABO - U rê máu - Đường máu - Xét nghiệm viêm gam B - Xét nghiệm HIV - Xét nghiệm giang mai: tiến hành đồng thời 2 xét nghiệm + Xét nghiệm VDRL (hoặc RPR) + Xét nghiệm TPHA - Tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu - Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng - Xét nghiệm nước tiểu: đường niệu, protein niệu - Chụp X-quang tim phổi thẳng b. Các xét nghiệm khác (nếu có yêu cầu) - Điện tâm đồ - Điện não đồ - Công thức bạch cầu - Tốc độ máu lắng - Tỷ lệ huyết sắc tố - Nhóm máu Rh - Xét nghiệm viêm gan A, B, C - Thử phản ứng Mantoux - Tổng phân tích nước tiểu 10 thông số - Chẩn đoán thai nghén - Xét nghiệm tìm Morphin hay chất gây nghiện - Xét nghiệm tìm chất kích thích (Amphetamin) - Xét nghiệp chẩn đoán bệnh phong - Xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác - Siêu âm

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Công ty cổ phần XNK thương mại hợp tác nhân lực quốc tế Việt Nam

Địa chỉ: 4 – M6B -TT6 Bắc Linh Đàm, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Hà Nội Điện thoại: 0435.401.286 Di động: 0912.171.090 E-mail: Ldtoan1977@gmail.com

Xuat khau lao dong Đài Loan

Đăng ký và tuyển chọn lao động

Đăng ký và tuyển chọn lao động

Có hai phương thức tuyển chọn: người lao động trực tiếp đăng ký dự tuyển tại trụ sở doanh nghiệp và người lao động đăng ký với doanh nghiệp tuyển tại địa phương mình. Người lao động trực tiếp đăng ký dự tuyển tại trụ sở doanh nghiệp: - Người lao động thông qua phương tiện truyền thông, quảng cáo của doanh nghiệp hoặc qua giới thiệu của cơ quan chức năng của Nhà nước, của bạn bè, người thân ... trực tiếp đến doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp đăng ký dự tuyển đi làm việc tại nước ngoài; - Người lao động có thể yêu cầu doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp nơi mình đến dự tuyển cung cấp các điều kiện tuyển chọn như: thị trường cần tuyển lao động, số lượng cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện sức khoẻ, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí, các quyền và nghĩa vụ của người lao động...; - Đề nghị doanh nghiệp hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động trực tiếp đăng ký dự tuyển tại địa phương nới cư trú: - Người lao động có thể đăng ký dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài tại các Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động các cấp ở địa phương (xã, huyện, tỉnh) hoặc trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Phòng Lao động- Thương binh xã hội huyện hoặc Sở LĐ-TBXH tỉnh, TP nơi mình cư trú. - Đề nghị Ban chỉ đạo XKLĐ phổ biến các nội dung như: số lượng cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện sức khoẻ, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí, các quyền và nghĩa vụ của người lao động của từng thị trường mình đăng ký dự tuyển. Cả hai hình thức tuyển chọn trên, người lao động đều không phải nộp chi phí tuyển chọn cho doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp hoặc Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động địa phương.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Công ty cổ phần XNK thương mại hợp tác nhân lực quốc tế Việt Nam

Địa chỉ: 4 – M6B -TT6 Bắc Linh Đàm, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Hà Nội Điện thoại: 0435.401.286 Di động: 0912.171.090 E-mail: Ldtoan1977@gmail.com

Xuat khau lao dong Đài Loan

Nỗ lực “cứu” thị trường Hàn Quốc

Bộ LĐ-TB-XH khẳng định thông tin dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc là không chính xác

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong chương trình thời sự lúc 19 giờ ngày 12-9, VTV1 phát thông tin Hàn Quốc quyết định tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều tờ báo ra ngày 13-9, trong đó có cả Báo Lao động và Xã hội của Bộ LĐ-TB-XH, cũng khẳng định vì lao động bỏ trốn gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dừng chương trình cấp phép lao động EPS (chương trình EPS) với Việt Nam.
Thông tin trên khiến gần 5.000 lao động đang có hồ sơ dự tuyển và hàng chục ngàn lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc hoang mang. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều 13-9, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, vẫn khẳng định: “Không hề có chuyện Việt Nam bị dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc”.
Khẳng định “không dừng” Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị được giao thực hiện chương trình EPS, cũng phủ nhận thông tin trên: “Chỉ có việc hủy đợt kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 7-8 vừa qua, chứ không hề có quyết định nào của phía Hàn Quốc về dừng hợp tác lao động với Việt Nam. Việc tổ chức cho lao động trúng tuyển xuất cảnh vẫn đang diễn ra bình thường”.
Lao động trúng tuyển vẫn xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc bình thường
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cũng bày tỏ sự ngạc nhiên: “Tôi không biết vì sao có thông tin nhầm lẫn như thế. Chúng tôi vừa từ Hàn Quốc trở về ngày 10-9. Trong chuyến đi này, chúng tôi làm việc với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, bàn về kế hoạch tổ chức đợt kiểm tra tiếng Hàn cho lao động Việt Nam vào đầu năm 2012. Bộ này không thông báo hay nói gì đến việc dừng hợp tác lao động với Việt Nam”. Ông Quỳnh cho biết sẽ có thông tin chính thức về vấn đề này cho báo chí rõ, tránh nhầm lẫn cho người lao động.
Nguy cơ là có thật! Mặc dù khẳng định thông tin dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc chưa chính xác nhưng đại diện Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng đều có chung khuyến cáo nếu vấn đề lao động bỏ trốn tiếp tục gia tăng thì nguy cơ bị cắt giảm hạn ngạch, thậm chí bị loại khỏi chương trình EPS là khó tránh. Hiện nay, ngoài 8.780 lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc từ tháng 4-2011 về trước, tình hình lao động bỏ trốn vẫn tiếp tục gia tăng. Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, trong số 8.000 lao động hết hạn hợp đồng năm 2011 thì đến nay có khoảng 49% đã bỏ trốn ở lại Hàn Quốc.
Trước tình hình lao động bỏ trốn có nguy cơ làm mất thị trường Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai các biện pháp chống trốn. Đề án ngăn ngừa lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc đang được triển khai. Trước đó, cuối tháng 6-2011, Bộ LĐ-TB-XH có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH của 3 tỉnh có đông lao động bỏ trốn nhất là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An yêu cầu rà soát, triển khai các biện pháp vận động gia đình khuyên con em hết hạn hợp đồng phải trở về.
Đầu tháng 7-2011, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục có công văn nhấn mạnh nội dung trên và kèm theo chỉ đạo tạm dừng đưa lao động ở các xã có đông lao động bỏ trốn tại 3 tỉnh trên. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thời gian gần đây có một số lao động đã bị hoãn chuyến bay sang Hàn Quốc dù đã hoàn tất thủ tục.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết thêm: “Dự kiến ngày 1-1-2012, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc sẽ công bố hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài cho năm 2012. Việc được tổ chức thi tiếng Hàn trong năm 2012 hay không (dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5-2012) phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực chống trốn của chúng ta”.
Bỏ trốn bị phạt 40 triệu won
Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Hiện Cảnh sát Tư pháp Hàn Quốc đã tăng cường tổ chức các lực lượng truy quét gắt gao lao động bất hợp pháp.
Đi đôi với mức phạt tối đa 20.000 USD đối với doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc có thể bị cấm hoạt động thì người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won (khoảng 700 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng.
Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi bị trục xuất sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc.
Bài và ảnh: Nguyễn Duy

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Công ty cổ phần XNK thương mại hợp tác nhân lực quốc tế Việt Nam

Địa chỉ: 4 – M6B -TT6 Bắc Linh Đàm, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Hà Nội Điện thoại: 0435.401.286 Di động: 0912.171.090 E-mail: Ldtoan1977@gmail.com

Xuất khẩu lao động Đài Loan

Lao động xuất cảnh - Công xưởng Long Phong

Lao động xuất cảnh - Công xưởng Long Phong 1 Lao động xuất cảnh - Công xưởng Long Phong 2 Lao động xuất cảnh - Công xưởng Long Phong 3 Lao động xuất cảnh - Công xưởng Long Phong 4 Lao động xuất cảnh - Công xưởng Long Phong 5 Lao động xuất cảnh - Công xưởng Long Phong 6 Xuất khẩu lao động

Lãnh đạo Công ty thăm hỏi lao động tại Nhà máy - Nhật bản

Lao động tập thể dục giữa giờ giải lao

Lao động chụp ảnh kỷ niệm trước khi xuất cảnh

Thăm Nhà máy ToTo - Đài loan

Kiểm tra kỹ năng lao động ToTo Thăm Nhà máy ToTo - Đài loan

Giám đốc Công ty VINAINCOMEX chỉ đạo triển khai cung ứng lao động sang Đài loan

Giám đốc Công ty VINAINCOMEX  chỉ đạo triển khai cung ứng lao động sang Đài loan

Thông báo lao động Toto trúng tuyển đợt 1

[caption id="attachment_1003" align="alignleft" width="300" caption="Thông báo Lao động Toto trúng tuyển đợt 1"]Thông báo Lao động Toto trúng tuyển đợt 1[/caption]

Đại diện nhà máy Toto phỏng vấn lao động

[caption id="attachment_998" align="alignleft" width="300" caption="Đại diện nhà máy Toto phỏng vấn lao động"]Đại diện nhà máy Toto phỏng vấn lao động[/caption]

Lễ kết nạp Đảng viên mới - Chi bộ hợp tác quốc tế

[caption id="attachment_936" align="alignleft" width="300" caption="Lễ kết nạp Đảng viên mới - Chi bộ hợp tác quốc tế"]Lễ kết nạp Đảng viên mới - Chi bộ hợp tác quốc tế[/caption]

Lao động Toto làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Đài Loan

[caption id="attachment_932" align="alignleft" width="300" caption="Lao động Toto làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Đài Loan"]Lao động Toto làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Đài Loan[/caption]

Thẻ cư trú thực tập sinh Nhật Bản

[caption id="attachment_854" align="alignnone" width="224" caption="Thẻ cư trú thực tập sinh Nhật Bản"]Thẻ cư trú thực tập sinh Nhật Bản[/caption]

Thăm trụ sở làm việc đối tác - Đài Loan

Thăm trụ sở làm việc đối tác Đài Loan
Thăm trụ sở làm việc đối tác Đài Loan
Thăm chợ bán đá quý Đài Trung - Đài Loan
Thăm chợ bán đá quý Đài Trung - Đài Loan
Lươn biển Cao Hùng - Đài Loan
Lươn biển Cao Hùng - Đài Loan
Biển Cao Hùng Đài Loan vào buổi tối
Biển Cao Hùng Đài Loan vào buổi tối
Chợ hải sản Cao Hùng - Đài Loan
Chợ hải sản Cao Hùng - Đài Loan

LÀM BÀI THI TUYỂN NHÀ MÁY TOTO - ĐÀI LOAN

Tru so Cong ty VINAINCOMEX

ho chieu cong dan Viet nam

Hộ chiếu xuất khẩu lao động

visa nhap canh Dai loan