Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Lao động bất hợp pháp ở đảo Đài Loan: NHIỀU RỦI RO RÌNH RẬP

Thăm Trung tâm di dân khẩn cấp ở đảo Đài Loan đặt tại thành phố Yilan, nơi tạm giữ những lao động bất hợp pháp, hết thời hạn visa bỏ trốn ra ngoài lao động, nhìn vào danh sách của người thân xin vào thăm nom, mới thấy ái ngại. Vị cảnh sát ở đây bảo, con số hơn 100 người tạm giữ ở đây gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam… mới chỉ là bề nổi. Số lượng thực tế lớn hơn nhiều vì mỗi ngày có hàng chục người ra – vào trung tâm này. Vị cảnh sát còn nói thêm, vào được đến đây, chúng tôi mới yên tâm trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động, chứ ở ngoài, xảy ra chuyện gì, mọi bất lợi đều hướng về phía người bỏ trốn. Từ sức hấp dẫn bên ngoài Trước khi đến với đảo Đài Loan, nhiều người bảo, nếu chịu khó làm thêm là có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Lúc ấy chỉ ậm ừ cho qua chuyện vì thực tình tôi không tin lắm, nhất là với một người mới chỉ biết giao tiếp tiếng Trung ở mức sơ đẳng. Nhưng đến đất Đài này rồi, đặc biệt sống ở thành phố Đài Bắc sôi động, mới thấy, điều mà người bạn nói trước đó là hoàn toàn có cơ sở. Thành phố Đài Bắc, đếm sơ sơ trên đầu ngón tay cũng có đến ngót chục chợ đêm, mà chợ nào cũng quy mô, lớn gấp 3, 4 lần, thậm chí đến gần 10 lần chợ đêm Đồng Xuân ở Hà Nội. Đi cùng với nó là khu ẩm thực, nơi thu hút rất nhiều lao động giản đơn. Biết tiếng ít thì dọn dẹp, rửa bát hay đứng bếp nấu ăn. Khá hơn một chút có thể chạy bàn, mời khách… Nói chung, người trình độ như thế nào cũng có thể sắp xếp được việc hợp lý. Hồ Văn Nam, sinh năm 1987, quê Nghệ An, sang học tiếng được 2 năm ở Đài Bắc, cho biết, sau một năm học tiếng đạt kết quả tốt sẽ được cấp giấy cho phép làm thêm ở ngoài 16 tiếng/tuần. Nam kể, công việc làm ở quán ăn cũng không vất vả lắm, chỉ bưng bê, dọn bàn và mời chào khách với mức lương từ 100 đến 120 Đài tệ/giờ (khoảng 80.000 đồng Việt Nam), có những công xưởng, khi cần đơn hàng gấp, họ còn tăng lương. Với những bạn giỏi tiếng Trung có thể làm phiên dịch bán thời gian với mức lương cao, khoảng 1.000 Đài tệ/giờ. Nhẩm tính sơ sơ, sinh viên đi làm thêm 1 tháng ngoài giờ học cũng có thu nhập gần 10 triệu đồng. Một người bạn xứ Đài này bảo, không chỉ với lao động Việt Nam mà nhiều lao động đến từ Indonesia, Philippines, Thái Lan… sang đến đây rồi đều tranh thủ đi làm. Với một lao động giản đơn, một tháng có thể đạt được thu nhập 30.000 Đài tệ… Đến tâm sự của một lao động bỏ trốn Đến thăm, mang đồ dùng sinh hoạt cho Nguyễn Văn Truyền, sinh năm 1973, quê ở Bắc Giang, đang bị tạm giữ ở Trung tâm di dân khẩn cấp tại Yilan, thấy khác quá so với lúc trước mấy anh em ngồi ăn với nhau. Nước da xanh tái, râu tóc mọc dài, lởm chởm. Truyền bảo, một tuần bị giữ ở đây, sụt mất 5 cân. - Sao vậy? – Tôi hỏi – Cuộc sống trong trại thiếu thốn à? - Không phải vậy, sinh hoạt trong trung tâm này cũng đủ – Truyền trả lời – Hàng ngày được cung cấp 3 bữa ăn. Quần áo, ngoài một bộ của mình còn có một bộ của trung tâm. Ở thì chung, khoảng 20 người gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Indonesia, Philippines… trong phòng rộng chừng 50m2, mỗi người có một góc riêng. Mỗi tuần, một người bị giữ trong này được phép giữ 1.000 Đài tệ để chi phí. Hàng tuần, vào một ngày nhất định, trung tâm sẽ bán những vận dụng sinh hoạt. Nói chung, cuộc sống cũng bảo đảm, chỉ khổ cho ai nghiền thuốc lá thôi, trong này bán rất đắt, 600 Đài tệ/bao thuốc (khoảng hơn 400 nghìn đồng). Nhưng, ở trong này, mình suy nghĩ nhiều, ăn, ngủ không được và cũng không biết bao giờ được ra khỏi trung tâm này về nước. Truyền kể, sang đất Đài này được 3 năm, theo hợp đồng làm việc cho một công xưởng. Công việc không quá phức tạp, chỉ là sắp xếp, xén giấy để đóng thành sổ, lịch nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung và liên tục để không gián đoạn cả dây chuyền sản xuất. Mức lương theo hợp đồng là 17.280 Đài tệ/tháng, trừ chi phí môi giới (1.700 Đài tệ/tháng), bảo hiểm (600 Đài tệ/tháng), ăn ở (5.000 Đài tệ/tháng), tiền tiết kiệm gửi công ty (3.000 Đài/tệ)… mỗi tháng chỉ giữ được hơn 5.000 Đài tệ. - Vậy sao lại bỏ ra ngoài làm? - Thực tình không ai muốn bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp – Truyền nói tiếp – Tất cả cũng vì gánh nặng nợ nần ở nhà. Trước khi sang Đài đã trượt một lần phỏng vấn đi lao động ở Séc, sang được đến đây, “chạy” môi giới hết 6.500 USD. Riêng tiền sang đây, nếu làm đủ hợp đồng trong 3 năm, không tăng ca, làm thêm giờ, 2 năm mới hoàn đủ vốn. Còn lại 1 năm nữa, tiết kiệm lắm, trong 3 năm đi làm bên này, dư ra được khoảng 60 triệu đồng. Từng ấy chưa đủ trả tiền chạy đi xuất khẩu lao động ở Séc. Bởi thế mới quyết định bỏ ra ngoài làm. Cuộc sống bên ngoài cũng không dễ chịu chút nào – Truyền nói – Khi bỏ ra ngoài, mình làm 12 tiếng cho 2 quán ăn với mức lương 100 Đài tệ/giờ. Ăn uống tại quán nên sinh hoạt phí hàng ngày không nhiều, lại không phải đóng các khoản tiền khác nên mỗi tháng có thể dành dụm khoảng 30.000 Đài tệ (hơn 20 triệu đồng)/tháng. Tiền kiếm được nhiều nên ham, nhưng kéo theo đó là những mối lo. Rồi anh kể, bỏ ra ngoài lao động, không giấy tờ hợp pháp nên chỗ ở phải luôn thay đổi. Mặc dù, cách ăn mặc, tác phong đi lại theo đúng gu của người Đài nhưng cảm giác sợ sệt bị cảnh sát chặn hỏi luôn thường trực. Khi rảnh không dám đi chơi, suốt ngày ru rú ở một chỗ. Còn khi về nhà thì sợ cướp. Truyền bảo, ở thành phố Đài Bắc này đã xảy ra mấy vụ cướp rồi mà toàn nhằm vào những anh em lao động bỏ trốn. Có vụ, tụi nó xông vào nhà, kề dao vào cổ, ngang nhiên lấy đi sạch tiền bạc, máy tính, điện thoại… thiệt hại cũng hơn 100 nghìn Đài tệ. Có lẽ, tụi nó đã theo dõi, biết được mình là người thế nào nên khi mọi người lấy lương về là chúng ập vào. Lúc ấy đành chịu chứ không dám kêu ai, cũng không dám báo cảnh sát vì mình không còn được pháp luật sở tại bảo hộ… Giờ bị giữ rồi – Truyền nói tiếp – 20.000 Đài tệ đã chuẩn bị để nộp phạt, tiền tiết kiệm trong 2 năm ở công ty chắc cũng bị khấu trừ vì phá hợp đồng, nhưng điều ấy không quan trọng nữa, chỉ mong sao được giải quyết sớm để về nhà. Sang đây làm, bỏ trốn cũng là một sai lầm của mình. Và những cảnh báo Về Việt Nam nghỉ tết, trước khi sang lại, một người bạn tại Phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội cứ níu giữ tôi ngồi nói chuyện để thông báo rằng, thời gian rồi có nhiều lao động bỏ trốn ra ngoài. Anh cũng kể về vụ tai nạn xây dựng đường cầu dẫn mấy năm trước ở Đài Nam, đã khiến một số người thiệt mạng. Khi nhà chức trách kiểm tra, trong số những lao động thiệt mạng có một vài người là lao động nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp. Như vậy, họ không được hưởng bảo hiểm, bồi thường. Mặc dù, không ai muốn điều đó, nhưng luật pháp đã quy định, chỉ người lao động bỏ trốn trong hoàn cảnh đó là chịu thiệt thòi nhất. Anh cũng mong muốn, qua cơ quan truyền thông, để cảnh báo, những lao động đừng ham những mối lợi trước mắt mà quên đi những hậu quả có thể xảy đến sau này. Khi bỏ trốn, rất có thể các bạn bị bóc lột sức lao động, bị tai nạn, thậm chí có thể bị chủ quỵt lương… với những vấn đề đó, pháp luật sở tại cũng như của Việt Nam rất khó giải quyết. Cũng với vấn đề này, trong một lần trả lời phỏng vấn, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Quản lý lao động ngoài nước tại Đài Bắc, chia sẻ, người lao động không nên bỏ ra ngoài. Nếu có vấn đề gì phát sinh có thể cục lao động địa phương nơi làm việc, người lao động sẽ nhận được sự hỗ trợ thuận tiện nhất. Còn khi bỏ ra ngoài rồi rất khó nhận được sự hỗ trợ. Theo quy định Việt Nam, với những lao động bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp và hết hạn hợp đồng không về nước, tức là tiếp tục ở lại cư trú trái phép để làm việc thì có thể bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Các bạn cũng sẽ phải bồi thường các thiệt hại do hành vi của mình gây ra, có thể bị cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm…Bởi vậy, khi lao động ở nước ngoài, mọi người hãy cân nhắc thật kỹ trước khi có những quyết định của mình.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét